Thương mại điện tử giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn, song người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn như: bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đang có xu hướng gia tăng và hoạt động ngày càng tinh vi. Những phương thức mà các đối tượng thường dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trong thời gian gần đây là giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án thông báo người bị hại liên quan đến một vụ án bất kỳ hoặc bị xử phạt nguội vi phạm giao thông và yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra, xử lý; giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã pin hoặc thông tin thẻ tín dụng, thông tin công dân để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ, gửi thư điện tử, tin nhắn có chứa đường dẫn truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản internet banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền; Thủ đoạn thông qua mạng xã hội, Facebook, Zalo,… các đối tượng giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương rồi nói đã chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm, và số lượng lớn ngoại tệ qua đường hàng không về Việt Nam để tặng.
Thủ đoạn đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng... Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ lực lượng chức năng nhưng nhiều người vẫn sa bẫy của các đối tượng này.
Chúng ta có một nhóm tỷ lệ người dân, nhất là lứa tuổi trung niên, những người chưa thành thạo với các thiết bị số hoặc những người dân ở khu vực nông thôn, lần đầu tiên tiếp xúc với mạng xã hội, với các thiết bị di động, các ứng dụng thông minh thì khả năng họ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo cũng cao hơn rất nhiều. Chúng ta cần chuyển dịch sự quan tâm về mặt an ninh mạng sang an toàn số bởi vì thực tế hiện nay cho thấy xu thế gia tăng về chuyện mất an toàn trên môi trường số dưới các hình thức bao gồm việc tấn công mạng; mất an toàn về nội dung thông tin, ví dụ như tin giả, tin sai sự thật ở trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt là các hình thức về tội phạm mạng, tội phạm trên các nền tảng về thương mại điện tử cũng như các hình thức về mặt giao dịch số.
Để bảo vệ được người tiêu dùng trên không gian mạng thì cần phải có động lực lớn hơn nữa từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải hiểu tốt hơn về luật để bảo vệ an toàn cho khách hàng, bảo vệ dữ liệu cho người tiêu dùng; cần có các hệ thống về an ninh mạng, phòng thủ trước những thủ đoạn tấn công, lừa đảo.
Phía người tiêu dùng, phải chủ động nâng cao hiểu biết về an ninh mạng. Có một số kiến thức rất cơ bản mà ai cũng cần biết như, bảo vệ tài khoản cá nhân thì phải xác thực bằng 2 lớp, đăng ký bằng số điện thoại, email chính thức để tránh không bị lấy cắp.
Ngoài ra, hệ thống giáo dục cũng rất quan trọng, trong giai đoạn này cần đưa giáo dục về kỹ năng an toàn bảo mật thông tin vào hệ thống đào tạo chính thức cho học sinh trong nhà trường. Cần đào tạo về bảo vệ kỹ năng số, kỹ năng an toàn cho đến hành xử như thế nào cho văn minh và an toàn trên mạng xã hội. Với nhóm người lớn tuổi, người cao tuổi ở khu vực nông thôn cần được quan tâm và bảo vệ nhiều hơn để hiểu nhiều hơn về không gian mạng và tránh được những cạm bẫy lừa đảo trên mạng xã hội./.