Giỗ tổ Hùng Vương: Biểu tượng văn hóa và truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam
Truyền thuyết về bọc trăm trứng, về họ Hồng Bàng lý giải nguồn gốc và mối quan hệ dân tộc. Mỗi người Việt Nam, dù ở vùng núi cao hay miền duyên hải, dù là dân tộc Kinh hay các dân tộc thiểu số, đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng, đều là con dân đất Việt và lấy đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau làm lẽ sống, làm sức mạnh tinh thần trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.
Người Việt Nam có tín niệm sâu sắc về Tổ quốc, về nguồn gốc, tổ tiên. Các truyền thuyết về bọc trăm trứng, về họ Hồng Bàng cùng với dấu tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng không chỉ là biểu hiện của nhu cầu cố kết cộng đồng để mưu sinh, mà còn phản ánh những khát vọng tình cảm, tâm linh cùng quyết tâm hướng tới khối đoàn kết quốc gia, dân tộc. Cũng giống như nhiều dân tộc trên thế giới, người Việt có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và là quốc gia duy nhất có chung ngày giỗ Tổ
Thế nên mới có câu ca truyền đời, nhắc nhở các thế hệ con cháu Lạc Hồng luôn nhớ về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Từ thời phong kiến, giỗ Tổ Hùng Vương đã được định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (còn gọi là hội chính) vào những năm chẵn như năm 1900, 1905, 1910... còn hàng năm thì giao cho dân trưởng tạo lệ sửa lễ cúng Tổ vào ngày 12/3 âm lịch là ngày giỗ Kinh Dương Vương. Đến đầu thế kỷ 20, nhà Nguyễn ấn định lấy ngày 10/3 làm chuẩn, và dân trưởng tạo lệ là dân Hy Cương được phát canh 25 mẫu ruộng và cấp 100 đồng bạc trắng, miễn sưu thuế phu phen để trông nom đền miếu và làm giỗ Tổ. Nhà vua cũng phong cho vị trưởng lão của dân Trưởng tạo lệ chức quan gọi là "lệnh đồng trà". Hàng năm, đến ngày giỗ Tổ, “lệnh đồng trà” lên kinh đô nhận 3 gạo nếp thơm của vua ban cho, về thổi xôi cúng trên Đền Thượng, chủ tế là Quan tuần phủ đứng đầu tỉnh do nhà Vua ủy nhiệm, bồi tế là các quan lại của tỉnh, huyện trong địa hạt Phú Thọ. Vào năm hội chính, ngay từ tháng Giêng, dân Trưởng treo lá cờ thần trên đỉnh núi Nỏn báo cho đồng bào gần xa biết. Việc chuẩn bị náo nhiệt trước hàng tháng: Sửa sang đường xá (xưa đường lên núi nhỏ hẹp, cây cối rậm rạp), tu bổ, quét dọn các đền, mua sắm vật phẩm phục vụ ngày Giỗ Tổ...Ngoài việc quan triều đình và quan hàng tỉnh đứng tế, các làng xã có đình thờ Vua Hùng, vợ con vua hoặc tướng lĩnh thời Hùng Vương còn rước kiệu đến chầu.
Vào năm 1946, giỗ Tổ đầu tiên dưới chính quyền cách mạng, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước lên làm nghi lễ dâng hương và dâng lên bàn thờ Tổ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm. Đây là hai vật báu nói lên ý chí bảo vệ đất nước của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa. Sau khi đất nước giành được độc lập, hòa bình lập lại, Giỗ Tổ Hùng Vương được duy trì song vẫn giới hạn phạm vi tổ chức ở địa phương. Song hội đền Hùng có chiều hướng ngày càng đông và kéo dài. Vào những năm 1960, có khoảng 10 vạn người về dự hội; những năm 1970, có khoảng 20 vạn; những năm 1980, con số này khoảng 30 vạn… Đặc biệt, năm 2010, lần đầu tiên Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức trên quy mô cả nước và tại Đền Hùng - Phú Thọ được tổ chức với nghi thức Quốc lễ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay, cả nước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương, tuy nhiên Đền Hùng là tên gọi khái quát chỉ quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội đền Hùng bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác... Các hoạt động mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đó là hai nghi lễ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội. Đám rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đó là một đám rước tưng bừng những âm thanh của các nhạc cụ cổ truyền và màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống... Cùng với phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, ban ngày có hát sẩm, hát ví, hát trống quân, cò lả... đêm đến có hát xoan kéo dài từ chập tối đến sáng tại đền Thượng, ngoài ra còn có hát chèo, tuồng ở ngoài các bãi rộng chân núi. Bên cạnh đó, còn có các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, chọi gà, vật, bắn nỏ thi, kéo lửa nấu cơm thi, bịt mắt bắt dê...
Trải qua bao thời đại lịch sử, lễ hội đền Hùng vẫn được gìn giữ và trở thành "Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc. Người đến hội không hề phân biệt tôn giáo, chỉ cần là người Việt Nam thì trong tâm thức đều có quyền tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng, mang theo lòng ngưỡng mộ cầu mong “quốc thái dân an” và để hành hương về vùng đất cội nguồn của dân tộc. Vượt lên những giá trị văn hóa, tâm linh, Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương còn là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc