BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC PCCC
Kính thưa toàn thể nhân dân!
Thời gian qua công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự vào cuộc tích cực của nhân dân nên trên địa bàn xã không xẩy ra cháy nổ, đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự của địa phương. Thực hiện tốt công tác PCCC cũng chính là giữ được tính mạng, tài sản, giữ được bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội.
Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhà cao tầng, nhà ống, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh được hình thành và phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Do đó các nhu cầu sử dụng nguồn nhiệt, nguồn điện ngày càng nhiều, dẫn đến nguy cơ về cháy, nổ xảy ra càng cao. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện phòng chống cháy nổ, nhưng vẫn còn một số đơn vị, chủ cơ sở còn chủ quan, chưa thực sự chú trọng đến công tác PCCC, việc chấp hành các quy định về PCCC và CNCH trong quá trình hoạt động chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến để xảy ra một số vụ cháy nhà dân, cơ sở kinh doanh Karaoke…, không được kiểm soát kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng, điển hình như vụ cháy cơ sở kinh doanh Karaoke ISIS- 231 Quan Hoa - Cầu giấy- Hà nội.
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy, nổ chủ yếu là do sự cố điện, thiết bị điện, sự bất cẩn, chủ quan của người dân về công tác PCCC; việc tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy của một bộ phận nhân dân chưa nghiêm, chưa thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn điện, chưa giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn nhiệt, nguồn điện... không lắp đặt, trang bị hoặc không bảo trì, bảo dưỡng hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy và các phương tiện chữa cháy khác…dẫn đến các sự cố cháy, nổ xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bên cạnh đó việc xử lý tình huống cháy ban đầu của lực lượng cơ sở còn lúng túng, kỹ năng thoát nạn của nhân dân còn hạn chế.
Kính thưa toàn thể nhân dân!
Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, với mục tiêu ngăn chặn kịp thời tai nạn cháy, nổ có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy thiệt hại về tính mạng, tài sản cho mọi người, mọi gia đình và cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, đề nghị nhân dân thực hiện tốt các giải pháp sau.
I. Tại nơi ở: Chủ hộ và các thành viên trong mỗi gia đình cần thực hiện.
1. Thường xuyên kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác. Không để trẻ em, người già đun nấu một mình. Dập tắt lửa, tàn lửa hoàn toàn đối với các loại bếp khi đã sử dụng xong.
2. Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến quá tải chạm chập, ngắn mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các mối nối trên dây dẫn điện phải được siết chặt; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn. Phải có thiết bị bảo vệ như ATTOMAT, cầu chì.. Khi ra khỏi nhà phải ngắt các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng.
3. Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng. Khi phát hiện có rò rỉ gas, hoặc ngửi thấy mùi gas tuyệt đối không bật bộ phận đánh lửa của bếp, không bật công tắc điện, đèn hay bất cứ dụng cụ thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt nào; nhanh chóng mở cửa để gió tự nhiên vào cho thông thoáng khu vực nhà bếp. Đồng thời kiểm tra vị trí bị rò rỉ. Nếu vị trí rò rỉ là trên đường ống dẫn gas chỉ cần khóa van tổng của bình gas là an toàn, nếu vị trí rò rỉ là ở cổ van hoặc thân bình dùng xà phòng cục nhét vào vị trí bị rò rỉ, sau đó dùng dây cao su buộc chặt và chuyển bình gas ra khu vực trống thoáng không có nguồn lửa nguồn nhiệt an toàn rồi xả hết khí gas trong bình. Sau khi xả hết gọi người của đại lý gas đến thu hồi vỏ bình, tuyệt đối không được tự ý sửa chữa vỏ bình.
4. Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 1m. Không để các đồ vật dễ cháy như hương, bánh kẹo, vàng mã sát nơi đốt hương, đèn; khi thắp hương, đèn, đốt nến, đốt vàng mã phải có người trông coi.
5. Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết. Trường hợp phải dự trữ thì phải bảo quản trong các dụng cụ không cháy kín, chắc chắn, để cách xa các nguồn lửa, nguồn nhiệt.
6. Chủ hộ, người lớn trong gia đình thường xuyên nghiên cứu, hướng dẫn các thành viên trong gia đình những tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, trang bị các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết, các gia đình nên trang bị thêm các bình chữa cháy xách tay để phục vụ chữa cháy.
II. Đối với nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh
1. Niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy tại những nơi có nguy hiểm cháy, nổ; niêm yết sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát nạn.
2. Không lập bàn thờ, thắp hương, nến thờ cúng tại các phòng làm việc, nơi sản xuất kinh doanh. Không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như xăng dầu, gas. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, ốp trần, tường, vách ngăn...
3. Thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC, khắc phục những thiếu sót về PCCC. Lắp đặt hệ thống điện theo đúng quy định an toàn PCCC, lắp đặt antomat từ nguồn cấp điện chính cho từng tầng, từng phòng làm việc và từng thiết bị có công suất lớn. Kiểm tra, ngắt điện đối với hệ thống điện, thiết bị điện không cần thiết trong giờ nghỉ hoặc khi hết giờ làm việc.
4. Quy định nơi hút thuốc, có thùng đựng mẩu thuốc lá không cháy.
5. Trang bị đủ phương tiện chữa cháy tại chỗ phù hợp với yêu cầu chữa cháy của từng khu vực, thiết bị cứu người; hướng dẫn cán bộ công nhân viên, người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị đó. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy.
6. Không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như xăng, dầu, gas tại nơi làm việc và trong khu vực kinh doanh. Những nơi quá trình sản xuất, kinh doanh liên quan đến các chất dễ cháy phải tuân thủ các quy định về sử dụng, bảo quản các chất dễ cháy.
7. Các hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa đường dây dẫn điện, chấn lưu đèn neon, bảng điện, ổ cắm, cầu dao, ATOMAT ít nhất là 0,5 mét. Không để hàng hoá, vật liệu dễ cháy dưới hoặc đè lên ổ cắm, bảng điện, cầu dao ATOMAT.
III. Các giải pháp thoát nạn
1. Đối với nhà có một lối thoát nạn, cần hướng dẫn bố trí thêm phương án thoát nạn khác, có thể là cầu thang sắt ngoài nhà, ống tụt hoặc thang dây, dây thả chậm đặt tại ban công, lô gia, sân thượng…
2. Đối với lối đi, lối thoát nạn, cần hướng dẫn giải pháp giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của các yếu tố nguy hiểm từ đám cháy, cụ thể:
- Trên hành lang, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn của nhà không nên để các thiết bị, vật dụng nhô ra khỏi mặt tường ở độ cao dưới 2m, không nên đặt các ống dẫn chất lỏng, chất khí dễ cháy.
- Cầu thang bộ thoát nạn trong nhà nên sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; hạn chế cầu thang xoắn ốc.
- Lối thoát nạn từ cầu thang bộ tại tầng 1 nên bố trí thoát ra ngoài trực tiếp hoặc qua lối đi an toàn, có đủ chiều rộng cho người di chuyển thuận lợi. Không nên để phương tiện, hàng hóa, đồ dùng, vật liệu dễ cháy hoặc nguồn lửa, nguồn nhiệt tại lối thoát nạn hoặc liền kề.
- Cửa đi ra ngoài nhà tại tầng 1 nên sử dụng có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng…) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy nổ. Trường hợp lắt đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.
3. Đối với nhà ở có ban công, lô gia hoặc cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông, cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết; trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì phải bố trí ô cửa để thoát nạn khi có cháy nổ. Việc lắp đặt biển quảng cáo bên ngoài nhà cần bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Đối với tầng mái, sân thượng, nên có lối lên từ tầng dưới qua cầu thang hoặc ô cửa có kích thước đủ rộng để có thể di chuyển lên tầng mái và tính toán đến khả năng thoát nạn sang nhà liền kề.
Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra dù là nơi ở hay nơi làm việc, nơi kinh doanh, phải hô hoán cho mọi người cùng biết, nhanh chóng sử dụng các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị để khống chế dập tắt đám cháy, đồng thời phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời.
Kính thưa toàn thể nhân dân!
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo an toàn không để xảy ra cháy nổ mỗi người dân hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy nổ xảy ra. Tự kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy để hạn chế thấp nhất số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người. Không để sơ suất nhỏ gây hậu quả lớn. PCCC là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân