ĐẨY MẠNH THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRONG DỊCH VỤ CÔNG
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu khi công nghệ đang ngày càng phát triển, yêu cầu của người dân khi sử dụng các dịch vụ hiện đại ngày càng cao. Đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực: y tế, điện, nước, giáo dục, viện phí, chi trả dịch vụ an sinh xã hội thì phương thức thanh toán tiền qua ngân hàng đã mang lại lợi ích “kép”, không chỉ góp phần tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch mà còn đáp ứng nhu cầu thanh toán thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, những năm qua, các sở, ngành và các đơn vị cung ứng dịch vụ công đã tích cực phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh và đơn vị trung gian thực hiện tốt các giải pháp về thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong thời gian qua, ngành điện lực đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, cụ thể như: Phối hợp với các đối tác thu hộ tuyên truyền đến khách hàng về các tiện ích trong việc sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; vận động khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện bằng các hình thức như: mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng, đăng ký trích nợ tự động qua tài khoản, thanh toán trực tuyến qua App ngân hàng như Internet banking, Mobile banking; thanh toán qua các ví điện tử như: Momo, ZaloPay, ViettelPay, VNPay, Moblie money… Theo đại diện cơ quan điện lực, điều này là kết quả liên tục cập nhật quy trình kinh doanh theo thanh toán điện tử và quan trọng nhất là hoàn thiện hồ sơ dữ liệu khách hàng. Ông Võ Quang Lâm, Phó Giám đốc EVN đánh giá
“Trước đây thì mỗi một tỉnh là một cái cơ sở khách hàng thì chúng tôi phải đồng nhất lại thành cơ sở dữ liệu khách hàng tập trung và chúng tôi chuẩn hóa lại cái cơ sở dữ liệu khách hàng này theo cái hướng là được điện tử hóa.”
Để có được kết quả đó, các đơn vị cung ứng dịch vụ công đã chủ động phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR Code để cho phép phụ huynh, học sinh, người bệnh, người dân… sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán. Các ngân hàng cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó giúp người dân tiết kiệm thời gian, quản lý chi tiêu dễ dàng, đa dạng hóa các phương thức thanh toán mang lại nhiều thuận tiện cho khách hàng. Ngoài ra, cổng dịch vụ công quốc gia cũng liên tiếp có những bước tiến mới cho phép người dân, doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng của ngân hàng thương mại nhiều hơn. Theo đó, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Đặng Minh Tuấn chia sẻ
“Trong năm 2022 vừa rồi là Chính phủ đã đưa cái dịch vụ công vào và một cái số liệu có thể nói là không tưởng trong thời gian rất ngắn, gần như 90 % các cái tỉnh, thành phố cũng như một 50 % các bộ, ngành đã tham gia vào đây và kéo cái đấy là các thể chế đi theo. Là điều kiện vô cùng thuận lợi cho hệ thống ngân hàng nói riêng và cho nền kinh tế nói chung.”
Từ thực tế có thể thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp đơn vị cung ứng dịch vụ công dễ dàng quản lý, tạo sự minh bạch trong các khoản chi mà còn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế rủi ro khi mang nhiều tiền mặt bên người, tạo điều kiện để người tiêu dùng thanh toán thuận tiện, an toàn, chính xác. Cụ thể hóa chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành một số thông tư quy định hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng, thực hiện dịch vụ bảo lãnh bằng phương thức điện tử (eKYC). Đây là điều kiện quan trọng để các ngân hàng tiếp tục cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại cho khách hàng sử dụng. Các ngân hàng thương mại hiện đã và đang liên tục đầu tư hạ tầng công nghệ và hệ sinh thái ngân hàng số để thúc đẩy tối đa thanh toán số. Ông Lê Mạnh Hùng, Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước cho biết
“Cũng là một lĩnh vực mà được ưu tiên trong chuyển đổi số của ngành ngân hàng, nó cũng là rất tự nhiên thôi, là vì nó gần gũi với người dân và thực sự là nhu cầu của chúng ta.”
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có chuyển biến tích cực, hiện đại hóa các quy trình, tạo thuận lợi, tiện ích trong việc tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, vừa đảm bảo an ninh – an toàn tiền tệ cho người tiêu dùng lẫn cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các đơn vị cũng phối hợp đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; tăng cường công tác phối hợp giữa hệ thống ngân hàng tỉnh với các sở, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan, địa phương để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ: Chi, thu, nộp ngân sách nhà nước, chi trả lương hưu, thanh toán dịch vụ công, học phí, viện phí, điện, nước, viễn thông, chi trả lương qua tài khoản tại các doanh nghiệp không có vốn nhà nước… đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, quản lý, giám sát hoạt động thanh toán xuyên biên giới. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, thúc đẩy chuyển đổi số.